Tam thất
Tam thất có tên gọi khác như: Nhân sâm tam thất, sâm tam thất, sơn tất, huyết sâm, điền tâm thất, điền thất, kim bất hoán…có tên khoa học Panax notoginseng (Burk) thuộc họ ngũ gia bì (Araliaceae).
Trong thiên nhiên có 2 loại là tam thất bắc và tam thất nam, trong đó loại tam thất bắc có giá trị và được sử dụng nhiều hơn hẳn.
Cây được gọi là tam thất bởi: Thứ nhất cây có 3 cành, mỗi cành có 7 lá nên có tên gọi tam thất (trong Hán Việt tam: 3; thất: 7). Thứ hai từ khi gieo đến khi cây có hoa là khoảng 3 năm, từ 3 năm đến 7 năm cây mới có dược tính tốt.
Tam thất phân bố ở nhiều quốc gia trên thế giới như Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam… và thường được tìm thấy ở vùng núi cao trên 1000m. Ở Việt Nam có thể tìm thấy tam thất ở các vùng như Lào Cai, Lạng Sơn, Hà Giang, Yên Bái. Cây được tìm thấy nhiều nhất ở khu vực núi Hoàng Liên Sơn và xung quanh thượng nguồn sông Hồng.
Tam thất là một loài thảo dược lâu năm, được ví như sâm. Tam thất có lá xanh đậm và quả mọc thành chùm, khi chín có màu đỏ rất đẹp. Hầu hết các bộ phận của loài cây này được dùng làm thuốc. Nhưng phổ biến và tiêu biểu hơn cả là củ tam thất. Củ tam thất hấp thu tinh hoa nhiều năm của lòng đất, mang lại giá trị tuyệt vời cho sức khoẻ của con người.
Tam thất được coi là dược liệu quý, có giá trị không kém nhân sâm/ Ảnh: Internet/ https://suckhoeviet.org.vn/ |
Tác dụng của tam thất
Theo Y học cổ truyền:
Theo Y học cổ truyền, tam thất có vị ngọt, tính ôn, hơi đắng. Công dụng của tam thất trong Y học cổ truyền được liệt kê sau đây.
Bồi bổ cơ thể: Củ tam thất xay bột dùng bồi bổ sức khoẻ cho người cơ thể suy nhược, người mới ốm dậy.
Chữa bệnh phụ nữ: Ăn bột tam thất với tim lợn giảm chảy máu sau sinh, sản hậu huyết ứ gây đau bụng. Tam thất cũng giúp chữa đau bụng kinh, rong kinh do bế kinh, rong huyết, máu kinh nhiều
Các bệnh về huyết: Tam thất bổ huyết, hoạt huyết rất tốt cho người máu lưu thông kém, người bị bầm tím
Người bị huyết áp cao: Nụ tam thất hãm nước uống hàng ngày tốt cho người bị huyết áp cao
Theo y học hiện đại
Trong y học hiện đại, theo kết quả thực nghiệm lâm sàng đã được nghiên cứu, cây tam thất có tác dụng chữa bệnh rất tốt, đặc biệt là trong các bệnh nguy hiểm như tim mạch, ung thư.
Bảo vệ tim, ngăn ngừa xơ vữa động mạch
Tim là cơ quan hoạt động không ngừng nghỉ trong cơ thể con người, do đó việc bảo vệ tim rất quan trọng. Cây tam thất là dược liệu quý giúp bảo vệ tim, ngăn ngừa xơ vữa động mạch. Bởi trong tam thất có chứa hoạt chất notoginsengosid có tác dụng làm giãn mạch, ngăn ngừa xơ vữa động mạch, chữa các chứng đau do huyết ứ trệ (như co thắt động mạch vành, rối loạn tuần hoàn ngoại biên…) khi bị thiếu oxy, giúp bồi bổ sức khỏe, tăng sức đề kháng và điều hòa hệ miễn dịch cho cơ thể.
Cầm máu, tiêu máu, tiêu sưng
Tam thất có tác dụng giúp tiêu máu ứ trong phẫu thuật hay do va đập trở nên bầm tím phần mềm. Đối với những vết thương hở, tam thất giúp cầm máu tốt, có thể rắc một ít bột tam thất trực tiếp vào vết thương hở. Đối với những vết thương do phẫu thuật bên trong có thể uống bằng bột tam thất đã được xay hoặc chế biến cùng với một số thực phẩm như: cháo tam thất, canh tam thất, tam thất hầm với gà… để giúp vết thương chóng lành.
Làm đẹp da, trị mụn
Bên cạnh việc hỗ trợ điều trị một số bệnh, tam thất còn tác dụng trong việc làm đẹp da, làm chậm quá trình lão hóa và giảm lượng tế bào chết, thanh nhiệt cho làn da, giải độc và giảm tình trạng phát sinh mụn nhọt, mụn cám. Tam thất cũng thúc đẩy quá trình trao đổi chất để bổ sung lượng vitamin và khoáng chất cho làn da bằng các phương pháp như: đắp mặt nạ bột tam thất, uống, chế biến cùng với các thực phẩm khác.
Phòng ngừa và điều trị ung thư
Tam thất có chứa hoạt chất Saponin, Flavonoid có tác dụng hạn chế sự phát triển của các tế bào ung thư, các khối u bướu, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, chống lại sự xâm nhập các vi khuẩn, virus.
Hợp chất notoginsenosid trong tam thất có tác dụng giảm sinh khối u, do đó làm giảm tốc độ phát triển khối u, hạn chế sự di căn của tế bào ung thư đến các cơ quan trong cơ thể, kéo dài thời gian sống cho người bệnh điển hình với các loại ung thư như: ung thư hệ tiêu hóa, ung thư vùng đầu và cổ…
Đối với những bệnh nhân ung thư đã trải qua các phương pháp phẫu thuật, hóa, xạ trị sẽ gây ra các tác dụng phụ như: mệt mỏi, chán ăn, rụng tóc, suy dinh dưỡng, thể trang giảm sút, sụt cân, buồn nôn…Sử dụng tam thất có tác dụng tăng sức đề kháng, giảm được tình trạng mệt mỏi, chán ăn, điều hòa đường huyết, mỡ máu, huyết áp.
Điều hòa kinh nguyệt
Đối với phụ nữ việc kinh nguyệt không đều, rối loạn kinh nguyệt là những hiện tượng phổ biến với các biểu hiện như: đau bụng trong hoặc trước thời kỳ kinh nguyệt, ra máu ít, rong kinh… nếu không được chữa trị kịp thời sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, khả năng sinh lý và chức năng sinh sản.
Bên cạnh các phương pháp điều trị tây y, chị em phụ nữ có thể sử dụng tam thất thường xuyên để điều hoà kinh nguyệt, giảm đau bụng hành kinh. Tam thất chứa các thành phần có hoạt tính giống hormone giúp điều chỉnh trục sinh dục dưới, buồng trứng, từ đó giúp chu kỳ kinh nguyệt được ổn định.
Tam thất giúp hạ đường huyết trong điều trị tiểu đường
Chỉ số đường huyết quá cao hay quá thấp đều có thể gây ra những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Việc giữ ổn định đường huyết sẽ góp phần quan trọng trong việc phòng ngừa và làm chậm quá trình phát triển của bệnh đái tháo đường, cũng như giảm nguy cơ các biến chứng của bệnh gây ra. Trong tam thất có hoạt chất Saponin Rg1 tác dụng hiệu quả trong việc giảm, ổn định chỉ số đường huyết cao cho người bệnh.
Tam thất cải thiện tuần hoàn máu não và phòng ngừa đột quỵ
Trong nền y học cổ truyền Trung Quốc, tam thất nụ được sử dụng như vị thuốc quý đối với các bệnh liên quan đến thiểu năng tuần hoàn não và đột quy. Nụ tam thất chứa nhiều saponin notoginseng đã được chứng minh giúp tăng cường lưu thông máu não. Từ đó giúp cải thiện tuần hoàn máu não, trị mất ngủ, rối loạn tiền đình, trí nhớ sa sút, mất tập trung. Đồng thời, nụ tam thất chống Oxy hoá, chống gốc tự do, ngăn ngừa huyết khối, giúp phòng ngừa đột quỵ. Tam thất cũng được sử dụng trong các sản phẩm hỗ trơ phục hồi chức năng sau đột quỵ.
Tam thất vị thuốc quý của Y học cổ truyền được dùng trong chữa trị nhiều chứng bệnh/ Ảnh: Internet/ https://suckhoeviet.org.vn/ |
Bài thuốc sử dụng tam thất để điều trị bệnh
Bạn đọc có thể tham khảo một số bài thuốc tam thất để chữa bệnh.
Cải thiện chứng ứ máu, bầm tím da
Sử dụng khoảng 2 – 3g bột tam thất pha với nước ấm để uống. Ngày uống 3 lần, mỗi lần cách nhau khoảng 6 – 8 tiếng.
Cải thiện chứng đau thắt ngực
Sử dụng khoảng 3 – 6g bột tam thất hòa với 500ml nước ấm để uống. Ngày uống 1 lần trước hoặc sau bữa ăn.
Chữa suy nhược cơ thể
Chuẩn bị 12g tam thất, 40g sâm bổ chinh, 40g ích mẫu, 20g kê huyết đằng, 12g hương phụ. Đem các nguyên liệu đi tán nhỏ, bảo quản trong lọ thủy tinh. Mỗi ngày dùng khoảng 30g hỗn hợp này để sắc lấy nước uống (Tùy vào tình trạng cụ thể mà bệnh nhân có thể sử dụng với liều lượng khác nhau).
Khắc phục chứng ra máu sau sinh
Sử dụng khoảng 100g bột tam thất. Mỗi lần dùng khoảng 8g bột tam thất hòa với nước cơm để uống. Ngày uống 2 – 3 lần cho đến khi triệu chứng ra máu được khắc phục.
Cải thiện triệu chứng thiếu máu, huyết hư sau sinh
Mỗi ngày uống khoảng 6g bột tam thất hoặc kết hợp với tam thất tần với gà ác, ăn nguyên con.
Chữa rong huyết, huyết ứ, rong kinh do bế kinh
Sử dụng khoảng 4g tam thất, 12g ngải diệp, 12g ô tặc cốt, xuyên nhung, đơn bì, đương quy, đan sâm mỗi vị 8g, ngũ linh chi, một dược mỗi vị 4g. Cho các vị thuốc vào ấm sắc lấy nước uống. Kiên trì mỗi ngày 1 tháng, khoảng 1 tháng thì có thể ngưng.
Chữa chứng đau tức thắt lưng
Dùng bột tam thất và bột hồng nhân sâm lượng bằng nhau, đem trộn đều. Mỗi ngày dùng khoảng 4g hỗn hợp trên để pha nước uống, chia thành 2 lần uống trong ngày. Mỗi lần cách nhau 12 tiếng.
Chữa chứng đau bụng kinh, máu kinh ra nhiều
Dùng khoảng 6 – 10g tam thất nam sắc lấy nước uống hoặc ngâm rượu. Mỗi ngày uống 1 lần, trước kỳ kinh khoảng 1 tuần.
Chữa chứng bạch cầu cấp và mãn tính
Kết hợp 15g đương quy, 15g xuyên khung, 6g tam thất, 10g hồng hoa, 15g xích thược đem sắc lấy nước uống. Kiên trì thực hiện mỗi ngày để cải thiện bệnh.
Chữa nôn ra máu
Chuẩn bị 1 con gà nguyên con, tam thất bột 5g, nước ngó sen 1 cốc 200ml, rượu lâu năm nửa chén 15ml. Hầm cách thủy để ăn, cách ngày ăn 1 lần, đến khi khỏi.
Chữa đi tiểu ra máu
Sử dụng tam thất bột 4g, nước sắc cỏ bấc đèn và gừng tươi vừa đủ (200ml). Uống ngày 2 lần tới khi ngừng bệnh.
Cải thiện bệnh loét hành tá tràng và dạ dày
Sử dụng tam thất bột 12g, bạch cập 9g, mai mực 3g. Nghiền bột mịn, ngày uống 3 lần, mỗi lần 3g uống từ 15 – 21 ngày.
Chữa thấp tim
Mỗi ngày uống 3g bột tam thất, chia 3 lần (cách nhau 6 – 8 giờ), chiêu với nước ấm giúp làm chậm quá trình phát triển của bệnh.
Chữa vết thương phần mềm bầm tím
Sử dụng bột tam thất một ít, dấm vừa đủ, trộn đều đắp lên vết thương. Nếu vết thương bị loét thì rắc thẳng bột tam thất lên.
Chữa các vết bầm tím do ứ máu (kể cả ứ máu trong mắt)
Ngày uống 3 lần bột tam thất, mỗi lần từ 2 – 3g, cách nhau 6 – 8 giờ, chiêu với nước ấm.
Chữa chóng mặt do thiếu máu
Sử dụng 3g tam thất và 1 con chim bồ câu hấp cách thủy ăn hàng ngày.
Tam thất được ứng dụng vào bài thuốc trị ho ra máu, đại trường chảy máu, loét hành tá tràng dạ dày,…/ Ảnh: Internet/ https://suckhoeviet.org.vn/ |
Những lưu ý khi sử dụng tam thất
Tam thất tuy có nhiều công dụng nhưng những trường hợp sau không nên sử dụng vị thuốc này:
Khi bị cảm nóng hoặc cảm mạo phong nhiệt: gây nóng thêm cho bệnh nhân.
Phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt: củ tam thất làm tăng lưu thông máu và loại bỏ huyết ứ nên có thể khiến chị em bị chảy máu quá nhiều. Tuy nhiên, nếu bị ứ huyết khiến kinh nguyệt không đều thì sử dụng dược liệu này lại giúp điều hòa kinh nguyệt.
Phụ nữ có thai: dễ gây động thai, sảy thai vì khả năng thúc đẩy tuần hoàn của nó. Tuy nhiên, phụ nữ mới sinh mất máu nhiều thì nên dùng tam thất giúp bổ máu, loại bỏ ứ huyết, cầm máu; ngoài ra còn cải thiện vóc dáng cho người mẹ.
Dị ứng củ tam thất: không nên dùng.
Không lạm dụng vì có uống nhiều bột tam thất hơn mức quy định cũng không khiến bạn khỏe hơn, thậm chí gây tăng tác dụng phụ. Nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.
Tam thất mua ở đâu?
Hiện nay, trên thị trường có khá nhiều nơi bán tam thất nhưng tam thất mua ở đâu chất lượng? Bạn có thể tham khảo một số nơi như sau:
Nhà thuốc Đông y: Tam thất là vị thuốc Đông y phổ biến, vậy nên bạn có thể đến bất kỳ nhà thuốc Đông y nào để mua tam thất chất lượng nhất.
Hệ thống phân phối sản phẩm của công ty có chứng nhận: Có khá nhiều công ty dược, thực phẩm chức năng cũng phân phối tam thất và một số chế phẩm từ tam thất. Bạn nên chọn mua những thương hiệu công ty có đầy đủ chứng nhận nguồn gốc để không mua phải hàng giả.
Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng thuốc dân tộc: Tam thất luôn nằm trong danh sách những dược liệu y học cổ truyền của dân tộc. Đó cũng là lý do bạn có thể tìm mua được tam thất ở Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng thuốc dân tộc.
Bệnh viện Y học Cổ truyền: Nếu bạn không thuận tiện để ghé đến những địa chỉ trên, bạn có thể tìm đến Bệnh viện y học cổ truyền để mua được tam thất chất lượng cao với giá cả vô cùng phải chăng.