Tiềm năng lớn cho cây dược liệu
A Lưới (Thừa Thiên Huế) là một trong 74 huyện nghèo của cả nước giai đoạn 2021 – 2025. Với hơn 75% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số, địa hình lắm núi nhiều dốc khiến A Lưới khó chồng thêm khó. Thế nhưng, chính địa hình đó đã giúp A Lưới có một tiểu vùng khí hậu đặc trưng. Được ví là “Đà Lạt” ở Bắc Trung Bộ với nền nhiệt mát mẻ, đất đai màu mỡ, nơi đây có nhiều lợi thế để phát triển nghề trồng cây dược liệu. Trên thực tế, đồng bào các dân tộc thiểu số ở A Lưới cũng đã phát huy lợi thế này trồng các loại cây như sâm bố chính, cà gai leo, gừng gió, thiên niên kiện… trở thành cây chủ lực để đồng bào các dân tộc thiểu số ở A Lưới thoát nghèo bền vững.
Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, phát triển dược liệu là một chủ trương lớn, tỉnh và huyện ban hành nhiều văn bản liên quan đến vấn đề này. Trong đó, người dân và doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện thành dự án phát triển vùng dược liệu cho A Lưới.
Theo thống kê của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế, tỉnh có hơn 1.600 loài, chiếm hơn 30% tổng số loài cây thuốc của cả nước.
Với những tiềm năng vốn có, thời gian qua, người dân đã tận dụng các vùng đất hoang hóa, đất rú cát, mạnh dạn đầu tư phát triển cây dược liệu, bước đầu có những kết quả khả quan, cung cấp nguyên liệu cho thị trường, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Tại xã Quảng Nhâm (huyện A Lưới), ngoài sâm bố chính, mới đây, người dân còn trồng thêm cây cà gai leo – loại thảo dược có tác dụng chữa bệnh gân xương, chữa phong thấp, giải rượu, chữa bệnh lý về gan. Toàn xã có gần 10 hecta loại cây dược liệu này với khoảng 25 hộ tham gia.
Anh Hồ Văn Bình (xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới) cho biết, gia đình anh đã trồng một sào cà gai leo thay thế diện tích chuối đã thoái hóa. Khi chăm sóc loại cây này có chút vất vả vì cà gai leo là cây bụi và có gai. Cà gai leo được thu hoạch và sử dụng phần cành, lá và rễ, thu hái quanh năm. Với giá bán 30 nghìn đồng/kg khô, loại cây này được kỳ vọng sẽ là cây sinh kế mới cho bà con địa phương.
Hoặc cây gừng gió và thiên niên kiện cũng là cây trồng tiềm năng ở địa phương khi phát triển và sinh trưởng tốt sau 3 năm trồng. Năm 2020, dưới tán rừng thuộc diện tích rừng cộng đồng quản lý, 64 hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã A Roàng chung tay trồng khoảng 2ha thiên niên kiện và gừng gió. Sau gần 3 năm trồng, cây thiên niên kiện và gừng gió phát triển tốt. Với phương châm khai thác một phần, phần còn lại để cây tái sinh nên cây cho thu hoạch hàng năm đều, gần với quy luật tự nhiên.
Phát triển cây dược liệu bài bản, có kế hoạch
Để phát triển tiềm năng cây dược liệu, mới đây, UBND huyện A Lưới đã quy hoạch 360ha vùng trồng dược liệu tại các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số theo kế hoạch phát triển dược liệu giai đoạn 2021 – 2025. Dự án trồng cây dược liệu quý này nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình mục tiêu quốc gia 1719) giai đoạn I, có tổng mức đầu tư 229 tỷ đồng.
Theo Kế hoạch phát triển dược liệu giai đoạn 2021 – 2025, huyện A Lưới quy hoạch 360ha vùng trồng dược liệu, tập trung tại các xã Quảng Nhâm, A Roàng, Hồng Bắc. Mô hình gắn liền với nguồn lực thực hiện mục tiêu Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 giai đoạn 2021 – 2030.
Hiện nay, UBND huyện đang xét hồ sơ, chọn ra một doanh nghiệp có năng lực tham gia thực hiện dự án. Theo báo cáo khả thi Chương trình trình mục tiêu quốc gia 1719 giai đoạn 1, dự án trồng cây dược liệu quý, có tổng kinh phí đầu tư 229 tỷ đồng (vốn ngân sách nhà nước 68 tỷ đồng, vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội tối đa 96 tỷ đồng, vốn huy động khác là 65 tỷ đồng).
Căn cứ vào kết quả phân tích đất, nước của Viện Nông hóa thổ nhưỡng và định hướng một số cây dược liệu có tiềm năng, phù hợp với địa điểm, dự kiến triển khai vùng trồng dược liệu quý với các loại như ba kích, bách hộ, cà gai leo, hà thủ ô, hoài sơn, hy thiêm, mạch môn, nhân trần, sa nhân tím, sâm bố chính, thiên niên kiện, sạ cạn.
Dự án được triển khai thực hiện tại các xã Hồng Bắc, Quảng Nhâm và một số xã khác sử dụng tối thiểu 50% lao động là người dân tộc thiểu số (ưu tiên các dự án có sử dụng trên 50% là lao động nữ); thời gian thực hiện từ năm 2022 đến năm 2025.
Trước đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành đề án “Phát triển vùng nguyên liệu và các sản phẩm dược liệu gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh đến năm 2030”.
Theo đó, trong năm 2023, bên cạnh tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ cho các doanh nghiệp, người dân tham gia phát triển dược liệu, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ ưu tiên lựa lọn một số loại cây dược diệu, vùng trồng dược liệu; xây dựng trục văn hóa – thảo dược để phát triển các sản phẩm dược liệu gắn với chương trình OCOP tại tỉnh Thừa Thiên Huế; phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm dược liệu… góp phần mang lại sinh kế bền vững cho bà con.