Cây thương nhĩ tử hay gọi là Ké đầu ngựa |
Tên gọi: Ké đầu ngựa, Đài nhĩ thật, Ngưu sắt tử, Hồ tẩm tử, Thương lang chủng, Miên đường lang, Thương tử, Hồ thương tử, Ngạ sắt tử, Thương khỏa tử, Thương nhĩ tật lê.
Tên khoa học: Xanthium strumarium L Họ: Cúc – Asteraceae
Cây Thương Nhĩ hay cây Ké đầu ngựa thuộc dòng cây thân thảo sống hằng năm. Thân hình trụ được phủ bằng lông cứng, có nhiều khía cạnh.
Lá hình đa giác cũng có nhiều lông bao phủ mép có nhiều răng cưa. Lá mọc so le dài khoảng 10cm với 3 gân chính.
Hoa Ké đầu ngựa mọc ở các kẽ lá, màu xanh lục nhạt. Đầu hoa trên lưỡng tính, hình ống, không có mào lông, tràng có 5 thùy. Đầu hoa dưới là hoa cái, không có tràng và mào lông.
Quả bế kép, hình trứng, có vỏ, cứng và rất dai. Đầu quả có hai sừng nhọn, xung quanh được bao phủ bởi nhiều gai móc. Quả dài khoảng 12 – 15 mm, rộng khoảng 7 mm.
Thương Nhĩ Tử trong y học cổ truyền
Khí vị: cay, đắng, ấm và hơi độc
Quy kinh: Thủ Thái âm Phế
Công năng: Tán phong, khu thấp, kháng khuẩn, làm thông mũi, chỉ thống.
Chủ trị: đau đầu phong hàn, tỵ uyên, răng đau, phong hàn thấp tý, tay chân co đau, ghẻ chốc, ngứa ngáy.
Kiêng kỵ:
- Đau đầu, tý thống do huyết hư không được dùng (Trung dược đại từ điển)
- Huyết hư đau đầu không nên dùng. Uống quá liều dễ trúng độc. (Trung dược học)
- Không dùng cùng thịt heo, thịt ngựa, nước vo gạo. (Đường bản thảo)
- Tán khí hao huyết, người hư không uống. (Bản thảo tái tân)
Chú ý: Dùng quá liều sẽ gây độc, nôn, đau bụng và ỉa chảy.
Liều lượng: Thường dùng 4 -12g.
Ứng dụng lâm sàng Thương Nhĩ Tử
1.Chữa phong hủi:
Lá Ké đầu ngựa, lá Đắng cây, lá Thầu dầu tía, củ Khúc khắc đều 12g, lá Khổ sâm, lá Hồng hoa, lá Thanh cao, Kinh giới, Xà sàng, Bạch chỉ, đều 8g, Nam sâm 8g sắc uống.
Thuốc dùng ngoài: Lá Ké đầu ngựa, Lá Cà độc dược, lá Trắc bá, lá Cau, lá Khổ sâm, lá Ngải cứu, lá Thông, lá Quýt nấu nước trước xông, sau tắm.
2. Chữa các bệnh phong, dị ứng gan, mẩn ngứa, mày đay:
Ké đầu ngựa 15g, Kinh giới bông 10g, Muồng trâu 15g, Cỏ Mần trầu 15g, Cam thảo đất 10g, Bạc hà 10g, Cỏ hôi 10g, Bèo tai tượng 15g, Chổi đực 10g, Nghể bà 10g. Các vị hiệp chung một thang, đổ một bát nước, sắc còn 8 phần, uống ngày 1 thang (Kinh nghiệm ở An giang).
3. Trị khí kết, ngực đau, bụng đầy, ăn kém, tiêu tiểu bí.
Kim ngân hoa 30g, Dã cúc hoa 30g, Tân di hoa 10g, Thương nhỉ tử 20g, Sinh ý dĩ nhân 20g; Đào nhân, Hoàng cầm, Bạch chỉ mỗi vị 10g. Sắc nước uống, mỗi ngày 1 thang.
4. Điều trị Viêm xoang sưng đau cổ họng, nghẹt mũi, đau đầu
Chuẩn bị 20g thương nhĩ tử, 30g kỵ thảo, 6g chỉ hương, 10g kinh giới, 4g kim bồn thảo, 60g gạo tẻ. Trước tiên sắc các vị dược liệu lấy nước rồi đem hầm chung với gạo tẻ thành cháo. Khi cháo chín nhừ, nêm thêm một chút đường vào, quậy tan, dọn ra chờ cháo nguội bớt, ăn hết trong 1 lần.
Điều trị bệnh viêm xoang do đởm nhiệt: Dùng thương nhĩ tử lượng vừa đủ kết hợp với mật lợn và 240g cành lá cây thổ hoắc hương. Hai vị dược liệu đem sao khô, tán thành bột, trộn chung với mật lợn làm hoàn. Liều dùng mỗi ngày 15g theo đường uống.