Hội Nam Y Việt Nam đẩy mạnh phương án phát triển nền y học cổ truyền Khuyến khích kết hợp y học cổ truyền điều trị bệnh lý về trực tràng |
Tại Hội thảo về xây dựng Thông tư ban hành nguyên tắc, tiêu chí xây dựng, cập nhật danh mục và hướng dẫn thanh toán thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, thuốc có kết hợp dược chất với các dược liệu, dược liệu, vị thuốc cổ truyền được thanh toán bảo hiểm y tế, bà Trần Thị Trang – Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế cho hay, Việt Nam là nước có thế mạnh về thuốc y học cổ truyền.
Theo đó, việc sử dụng thuốc y học cổ truyền chiếm vai trò quan trọng tại các cơ sở y tế: 99,3% thuốc y học cổ truyền sử dụng tại các khoa, bệnh viện chuyên khoa y học cổ truyền.
Triển khai các biện pháp phát huy thế mạnh của y học cổ truyền. Ảnh minh họa. |
Tuy nhiên, thời gian qua, tỷ trọng sử dụng thuốc y học cổ truyền trong cơ cấu chi chung của thuốc đã giảm từ 7,5%, xuống 4,5%. Nguyên nhân là do sau đại dịch COVID-19, việc mua sắm đấu thầu thuốc khó khăn chung, bên cạnh đó là việc đứt gãy nguồn cung của loại thuốc này và đặc biệt hơn nữa là do sự cạnh tranh của thuốc tân dược.
Do vậy, Bộ Y tế đang triển khai đề xuất các biện pháp để phát huy thế mạnh của y học cổ truyền. Với việc cập nhật danh mục thuốc y học cổ truyền được thanh toán bảo hiểm y tế đầy đủ hơn, cơ chế thanh toán được thanh toán bảo hiểm y tế thuận lợi, mang tính đặc thù đối với lĩnh vực này trên nguyên tắc bảo vệ quyền lợi người bệnh, đáp ứng yêu cầu chuyên môn, cân đối quỹ.
Nguyên tắc xây dựng tiêu chí lựa chọn thuốc được thanh toán bảo hiểm y tế vào Danh mục thuốc chi trả của được thanh toán bảo hiểm y tế bảo đảm sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả, hợp lý và đáp ứng nhu cầu điều trị của người tham gia bảo hiểm y tế, phù hợp khả năng chi trả của quỹ bảo hiểm y tế.
Để đảm bảo quyền lợi của người dân, Bộ Y tế cũng sẽ đưa ra khỏi Danh mục thuốc các dược liệu/vị thuốc cổ truyền nếu sản xuất từ dược liệu, động vật thuộc diện phải bảo tồn theo sách đỏ, hoặc động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng cần được bảo vệ do Hiệp hội Bảo vệ động vật thế giới công bố (trừ các dược liệu, động vật dùng làm thuốc đã được nuôi trồng, thu hái hợp pháp). Những dược liệu hoặc vị thuốc cổ truyền có khuyến cáo không nên sử dụng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hoặc Bộ Y tế Việt Nam, hoặc đề xuất, kiến nghị của các cơ quan, tổ chức chuyên môn, cũng sẽ bị đưa khỏi khỏi Danh sách thuốc.
Bên cạnh đó, các loại thuốc y học cổ truyền được bổ sung phải đáp ứng đồng thời các tiêu chí: Được cấp số đăng ký còn hiệu lực, thuốc xuất xứ từ bài thuốc cổ phương, bài thuốc gia truyền đã được cấp giấy chứng nhận, bài thuốc cổ phương gia giảm hoặc bài thuốc nghiệm phương có hiệu quả điều trị rõ ràng và an toàn dựa trên các nghiên cứu, đánh giá về tính an toàn, hiệu quả của thuốc đã được công bố…
Phó giáo sư Nguyễn Thế Thịnh – Cục trưởng Cục quản lý Y, Dược Cổ truyền (Bộ Y tế) đề nghị những thuốc có trong Dược điển thì người dân được hưởng bảo hiểm y tế; cần tạo điều kiện để phát triển dược liệu trong nước. Các bên có liên quan cũng cần có chế độ ưu tiên các sản phẩm thuốc y học cổ truyền sản xuất trong nước.
Mục tiêu phát triển toàn diện y dược cổ truyền đến năm 2030 mà Việt Nam đặt ra là tăng tỷ lệ chi trả thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ quỹ bảo hiểm y tế trong tổng số chi phí cho thuốc. Cụ thể, đến năm 2025 tối thiểu là 20% và đến năm 2030 là 30%; trong đó chi phí sử dụng dược liệu sẵn có tại địa phương trong chữa bệnh tối thiểu là 5% trong tổng số chi phí thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền. Tăng số lượng đề tài nghiên cứu khoa học về y dược cổ truyền được ứng dụng trong thực tiễn; chú trọng nghiên cứu chứng minh khoa học tác dụng chữa bệnh của y dược cổ truyền và các phương pháp chữa bệnh y dược cổ truyền có giá trị. Tăng tỷ lệ dược liệu nuôi trồng trong nước, khuyến khích dược liệu nuôi trồng đạt thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (GACP – WHO); giảm dần tỷ lệ nhập khẩu dược liệu, thuốc cổ truyền. |