Loại cỏ quý như “nhân sâm đỏ” mọc rất nhiều, nhưng ít người biết [E-Magazine] Đinh lăng – “Nhân sâm của người nghèo” |
Cây trinh nữ hoàng cung. (Ảnh: Wiki) |
Trinh nữ hoàng cung hay còn gọi náng lá rộng, tỏi lơi lá rộng, tây nam văn châu lan, tỏi Thái Lan, vạn châu lan hay thập bát học sỹ (danh pháp khoa học: Crinum latifolium) là một loài thực vật có hoa trong họ Amaryllidaceae. Loài này được L. miêu tả khoa học đầu tiên năm 1753. Đây loại cây ngày trước các ngự y thường dùng để trị bệnh cho nữ còn trinh tiết nên mới có tên này.
Cây trinh nữ hoàng cung có nguồn gốc từ Ấn Độ, sau trồng ở các nước vùng Đông Nam Á như Thái Lan, Lào, Malaysia, Việt Nam và phía Nam Trung Quốc…
Trinh nữ hoàng cung là một loại cỏ, thân hành như củ hành tây to, đường kính 10–15 cm, bẹ lá úp nhau thành một thân giả dài khoảng 10–15 cm, có nhiều lá mỏng kéo dài từ 80–100 cm, rộng 5–8 cm, hai bên mép lá lượn sóng. Gân lá song song, mặt trên lá lỡm thành rãnh, mặt dưới lá có một sống lá nổi rất rõ, đầu bẹ lá nơi sát đất có màu đỏ tím.
Hoa mọc thành tán gồm 6-18 hoa, trên một cán hoa dài 30–60 cm. Cánh hoa màu trắng có điểm màu tím đỏ, từ thân hành mọc rất nhiều củ con có thẻ tách ra để trồng riêng dễ dàng.
Theo kinh nghiệm dân gian, lá cây trinh nữ hoàng cung để chữa những trường hợp u xơ, ung thư tử cung, u xơ và ung thư tiền liệt tuyến với cách sử dụng như sau: ngày uống nước sắc của ba lá trinh nữ hoàng cung hái tươi thái nhỏ ngắn 1–2 cm, sao khô màu hơi vàng, uống luôn trong 7 ngày, rồi nghỉ 7 ngày, sau đó uống tiếp 7 ngày nữa, lại nghỉ 7 ngày và uống tiếp 7 ngày. Tổng cộng 3 đợt uống là 63 lá, xen kẽ 2 đợt nghỉ uống, mỗi đợt 7 ngày.
Theo y học hiện đại, trong cây trinh nữ hoàng cung Việt Nam có chứa những hoạt chất sinh học với khả năng ngăn chặn sự phát triển của tế bào u và kích thích tế bào lympho T hoạt động và phát triển. Đồng thời chỉ thấy có cây trinh nữ hoàng cung Crinum latifolium L. mới có hoạt chất tác dụng hỗ trợ trị liệu chứng phì đại lành tính tuyến tiền liệt và u xơ tử cung và hoạt chất ức chế sự tăng trưởng của tế bào ung thư (antitumor) như Crinafolidine, Crinafoline, Paratorimin.
Trong khi có tới 12 loại giống cây trinh nữ hoàng cung đều thuộc họ náng Crinum, nhưng tác dụng cũng khác nhau ví dụ trinh nữ hoàng cung Campuchia ngoài tác dụng giống trinh nữ hoàng cung Việt Nam nhưng lại có thêm tác dụng tránh thai.
Các kết quả nghiên cứu dược lý cho thấy cao methanol của thân, rễ và cao chiết alkaloid toàn phần của trinh nữ hoàng cung đều có tác dụng ức chế phân bào. Trong mô hình gây u báng sacom và ung thư đùi ở chuột nhắt, hợp chất chứa cao này đã hạn chế sự phát triển của khối u và di căn tế bào. Một số alkaloid trong cây có hoạt tính sinh học như Lycorin ức chế proteine và DNA của tế bào chuột, đồng thời ức chế u báng cấy ở chuột. Trong thử nghiệm Lycorin làm giảm khả năng sống của tế bào u, làm ngừng sự phát triển của virus bại liệt, đó là ức chế các tiền chất cần thiết cho sự sinh trưởng của virus gây bệnh bại liệt…
Tác dụng chữa bệnh của cây trinh nữ hoàng cung
Ức chế sự phát triển của khối u xơ
Trinh nữ hoàng cung đã được sử dụng trong điều trị u xơ cổ tử cung và u nang buồng trứng nhờ khả năng ức chế sự phát triển của khối u xơ. Các chiết xuất từ cây này cùng với nhiều thành phần khác như lá đu đủ và củ tam thất giúp tạo ra chế phẩm panacrin, có tác dụng ngăn chặn sự tăng trưởng của các tế bào ung thư.
Trinh nữ hoàng cung chữa u xơ tử cung. |
Kích thích hệ miễn dịch
Cây trinh nữ hoàng cung có khả năng kích thích hệ miễn dịch, được chứng minh thông qua thử nghiệm trên chuột trắng. Sự tiếp xúc với nước chiết xuất từ cây này giúp tăng trưởng tế bào lympho T trong máu chuột, hỗ trợ cơ thể chống lại tế bào ung thư.
Ức chế tế bào ung thư tiền liệt tuyến
Nghiên cứu trên các khối u xơ tiền liệt đã chỉ ra tác dụng ức chế của trinh nữ hoàng cung đối với tế bào ung thư tiền liệt. Dịch chiết từ cây này đã chống lại sự tăng sinh tế bào và có hiệu quả cao nhất là ở u xơ tiền liệt BHP-1.
Bảo vệ tế bào thần kinh
Trinh nữ hoàng cung có tác dụng bảo vệ tế bào thần kinh, được chứng minh qua nghiên cứu trên chuột bị tiêm chất gây độc (trimethyltin) cho hệ thần kinh trung ương. Kết quả cho thấy, việc sử dụng dịch chiết từ cây này đã giúp bảo vệ tế bào thần kinh ở mức độ vừa phải.
Tác dụng chống oxy hóa
Cây trinh nữ hoàng cung là một loại dược liệu có tác dụng chống oxy hóa cao với chỉ số ORAC theo nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng là 1610 ± 150 μmol TE/g. Điều này cho thấy cây trinh nữ còn mang đến công dụng chống oxy hóa.
Các tác dụng trên là kết quả của nhiều thử nghiệm và nghiên cứu. Tuy nhiên, việc sử dụng cây trinh nữ hoàng cung trong điều trị và chữa bệnh cần được thực hiện dưới sự hướng dẫn và giám sát của các chuyên gia y tế.
Điều trị mụn nhọt
Nhờ các thành phần chống oxy hóa và ngăn ngừa hiện tượng viêm nhiễm trên da, trinh nữ hoàng cung đã được ứng dụng vào công nghệ sản xuất các sản phẩm chăm sóc da và trị mụn cao cấp hiện nay.
Phân biệt cây trinh nữ hoàng cung. |
Bài thuốc chữa bệnh từ cây trinh nữ hoàng cung
Dược liệu trinh nữ hoàng cung đã được sử dụng trong điều trị nhiều bệnh lý khác nhau. Dựa vào các tác dụng đã được chứng minh qua các nghiên cứu của nhiều nhà khoa học, dược liệu này có thể được áp dụng trong các bài thuốc:
Bài thuốc điều trị viêm phụ khoa
Cây trinh nữ còn được dùng để chữa các bệnh viêm phụ khoa như ra máu âm đạo, rong kinh, kinh nguyệt không đều và trễ kinh. Một số bài thuốc điều trị viêm phụ khoa bằng trinh nữ hoàng cung gồm:
+ Bài thuốc 1: Lấy mỗi vị 20g gồm lá trinh nữ hoàng cung, hạ khô thảo, rễ cỏ xước, hương tư tử cho vào nồi sắc với 1 lít nước đến khi còn một nửa lượng nước. Nước thuốc được chia thành ba lần uống trong một ngày và không để qua đêm.
+ Bài thuốc 2: Sắc trinh nữ hoàng cung, lá sen, dừa dại, ngải cứu tươi, ích mẫu và hương tử mỗi vị 20g với 1 lít nước đến khi cạn còn nửa nước. Nước thuốc cũng được chia thành ba lần uống trong một ngày và không để qua đêm.
Bài thuốc giảm đau nhức xương
Cây trinh nữ cũng được sử dụng để làm các bài thuốc giảm đau nhức xương. Cách thực hiện là rửa sạch lá dược liệu, xắt nhỏ, phơi khô, sao lá dược liệu cho nóng rồi áp lên vùng xương khớp hay da bị đau hoặc bị thâm tím. Bài thuốc này nên được sử dụng liên tục trong 2 – 3 ngày để tan vết thương và giảm đau nhức hiệu quả.
Trinh nữ hoàng cung có tác dụng giảm đau nhức xương. |
Điều trị u xơ tiền liệt tuyến
Cây trinh nữ được biết đến nhiều với công dụng hỗ trợ điều trị u xơ tiền liệt tuyến qua các bài thuốc sau:
+ Bài thuốc 1: Sắc trinh nữ khô 20g, hương tư tử 6g và xa tiền tử 12g cùng với nhau trong nồi gồm 2 bát nước cho đến khi nước cạn còn khoảng 1 bát thì ngừng đun. Nước thuốc được chia thành hai hoặc ba lần uống trong ngày sau khi ăn.
+ Bài thuốc 2: Sắc trinh nữ hoàng cung khô 20g trong nồi gồm 2 bát nước nhỏ và đun trên lửa nhỏ cho đến khi nước cạn còn một nửa. Nước thuốc cũng được chia thành ba lần uống trong một ngày sau khi ăn.
Bài thuốc điều trị ung thư vú
Trinh nữ hoàng cung khô còn có hiệu quả trong việc hỗ trợ điều trị ung thư vú. Cách làm phương thuốc này là lấy 200g lá cây đã phơi khô, cho vào nồi đất, đổ hai bát nước sạch vào và sắc cho đến khi nước cạn còn khoảng nửa bát thì tắt bếp. Chia nước sắc thành 3 phần uống trong ngày, uống sau khi ăn.
Bài thuốc điều trị ho, viêm phế quản
Cây trinh nữ có tác dụng trong việc chữa ho và viêm phế quản qua các bài thuốc sau:
+ Bài thuốc 1: Lấy 20g mỗi vị thuốc gồm lá trinh nữ hoàng cung, ô phiến, tang bạch bì và cam thảo dây, sau đó cho vào nồi và đổ 600ml nước vào, sắc cho đến khi nước còn khoảng 200 ml thì ngừng. Chia nước sắc thành 3 phần uống trong ngày, uống sau khi ăn.
+ Bài thuốc 2: Cho vào nồi đất 20g mỗi vị thuốc gồm lá trinh nữ hoàng cung, lá bồng bồng, táo chua, hương tử, sau đó đổ 600ml nước vào và sắc đến khi nước cạn chừng 200ml thì tắt bếp. Chia nước sắc thành 3 phần uống trong ngày, uống sau khi ăn.
Trinh nữ hoàng cung điều trị bệnh dạ dày, tá tràng. |
Bài thuốc điều trị bệnh dạ dày, tá tràng
Lá trinh nữ hoàng cung tươi được sử dụng để điều trị các vấn đề liên quan đến dạ dày và tá tràng. Cách làm bài thuốc điều trị này là rửa sạch lá cây tươi, xắt nhỏ và cho vào nồi, cho tiếp hai bát nước nhỏ rồi sắc cho đến khi nước sền sệt còn khoảng một nửa bát thì tắt bếp. Chia nước sắc thành 3 phần uống trong ngày, uống sau khi ăn.
Một số lưu ý:
Tránh ăn rau muống khi đang dùng trinh nữ hoàng cung: Rau muống được biết đến là thực phẩm có khả năng giảm hiệu quả của cây trinh nữ. Do đó, trong quá trình sử dụng trinh nữ hoàng cung, người dùng không nên ăn rau muống để tránh ảnh hưởng đến tác dụng của dược liệu.
Phân biệt trinh nữ hoàng cung với các loại cây khác: Dược liệu trinh nữ có thể dễ bị nhầm lẫn với các loài cây khác như cây náng trắng, hoa lan huệ… Để tránh nhầm lẫn và sử dụng đúng loại cây, bạn cần nắm rõ cách nhận biết trinh nữ hoàng cung với các loại cây tương tự như vậy. Điều này giúp tránh trường hợp sử dụng sai dược liệu và gây ra các tác dụng gây hại cho sức khỏe.
Tránh sử dụng trinh nữ hoàng cung trong một số trường hợp đặc biệt: Không nên sử dụng cây trinh nữ cho trẻ em dưới 6 tuổi, sản phụ và phụ nữ đang cho con bú, bệnh nhân suy gan và suy thận.