Tục đoạn có tên khoa học là Dipsacus japonicus Miq, họ tục đoạn. Tục đoạn thường mọc ở những nơi vùng núi cao, thời tiết mát mẻ.
Bộ phận dùng làm thuốc là rễ cây phơi khô.
Rễ tục đoạn có hình trụ; mặt ngoài rễ cây thường có màu nâu nhạt, một số có màu xám; nhiều nếp nhăn, có các rãnh dọc. Lát thuốc cắt vát có bề mặt lởm chởm, màu xám hoặc nâu vàng, kèm theo đó sẽ có các bó mạch xếp theo đường xuyên tâm.
Tính vị: Tục đoạn có vị ngọt, cay, tính hơi ấm.
Trong cuốn bản thảo cương mục, tục đoạn được ghi chép rất rõ về cách đặt tên theo tác dụng của vị thuốc: Tục có nghĩa là nối liền, làm cho nối tiếp lại; đoạn nghĩa là từng đoạn đã tách rời nhau. Tục đoạn mang ý nghĩa nối liền những đoạn đứt với nhau, giúp làm lành, hồi phục tổn thương.
Tục đoạn là một trong những vị thuốc hay trong điều trị các bệnh lý nội khoa cơ xương khớp. Ngay cả một số bệnh lý ngoại khoa cơ xương khớp cũng được lấy kê đơn trong thang thuốc.
Ứng dụng tục đoạn trong điều trị
Theo Y học cổ truyền, tục đoạn là một trong những vị thuốc có tác dụng bổ cho can thận hư nhược, giúp công năng tạng phủ được phát huy tối đa, lập lại cân bằng âm dương trong cơ thể, điều hòa khí huyết, bệnh tật tất an.
Can chủ cân, thận chủ cốt, do đó, các bệnh lý cơ xương khớp nội khoa có mối quan hệ rất mật thiết với can thận trong Y học cổ truyền. Tục đoạn thường được sử dụng trên lâm sàng dành cho một số bệnh lý cơ xương khớp sau:
Bổ can thận, mạnh gân xương: Đối với người tuổi cao, thiên khí hư suy, bệnh tình cơ xương khớp đã diễn ra lâu năm, triệu chứng dai dẳng, âm ỉ… tạng can thận nay đã hư suy, công năng không đủ để nuôi dưỡng cốt nhục, gân xương.
Nay gia thêm vị tục đoạn kèm một số vị thuốc bổ để vinh nhuận gân xương chắc khỏe.
Trên lâm sàng, nếu gặp bệnh nhân tuổi cao, đau mỏi xương khớp do thoái hóa đa khớp, loãng xương, không mắc bệnh lý dạ dày, có thể sử dụng bài Độc hoạt tang kí sinh gia thêm thỏ ti tử, cốt toái, ngũ gia bì, tục đoạn.
Thành phần bài thuốc gồm các vị thuốc: Độc hoạt 8g, tang kí sinh 12g, tần giao 12g, phòng phong 8g, tế tân 2g, đương quy 12g, bạch thược 12g, xuyên khung 6g, sinh địa 12g, đỗ trọng 12g, ngưu tất 8g, nhân sâm 4g, phục linh 12g, nhục quế 4g, cam thảo 4g, tục đoạn 12, thỏ ti tử 4g, cốt toái 8g, ngũ gia bì 4g.
Sắc uống ngày 1 thang, chia 2-3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.
Giảm đau, điều trị nguyên nhân gây bệnh cơ xương khớp: Đối với người đau cơ xương khớp bệnh mới, ngắn ngày, có thể xuất hiện sau khi thay đổi thời tiết đột ngột, hoặc trời mưa lạnh kéo dài, mưa nồm ẩm ướt… thời khí chủ yếu là phong thấp.
Phong thấp sẽ xâm nhập vào cơ thể gây đau, nhức mỏi ở vùng cơ xương khớp, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Tục đoạn lại có tính ấm, có thể khu phong thẩm thấp, loại trừ phong thấp ra khỏi cơ thể, giúp thoái bệnh nhanh chóng.
Ngoài ra, lại thêm tác dụng chỉ thống, giảm đau hiệu quả.
Làm liền vết thương trong chấn thương gãy xương: Ngoài tác dụng với bệnh cơ xương khớp nội khoa, tục đoạn còn có tác dụng rất tốt đối với chấn thương gãy xương. Tục đoạn vị cay, tính ấm có thể làm thông huyết mạch, trừ ứ huyết, nối liền gân xương, là thuốc thường dùng trong ngoại khoa Y học cổ truyền.
Có thể kết hợp cùng đào nhân, xuyên sơn giáp, tô mộc, mộc qua, bạch thược. Hoặc có thể dùng bài Nhất bàn châu thang, chủ trị các chứng bị chấn thương do ngã.
Thành phần bài thuốc gồm các vị thuốc: Tục đoạn 15g, sinh địa 12g, đương quy 12g, xuyên khung 12g, xích thược 12g, trạch lan 12g, tô mộc 12g, ô dược 12g, mộc hương 6g, hồng hoa 6g, đại hoàng 6g, đào nhân 6g, cam thảo 6g, nhũ hương 9g, một dược 9g.
Sắc uống ngày 1 thang, chia 2-3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.
Dùng tục đoạn cần chú ý gì?
- Liều lượng dùng tục đoạn: Không quá 15g/ngày.
- Khi sắc vị tục đoạn lấy nước thuốc cần sắc lửa nhỏ khoảng 15 phút, tính từ khi nước sôi.
- Chống chỉ định với trường hợp: Rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp, có cơn bốc hỏa…