Vận dụng thuyết ngũ hành để tăng cường sức khoẻ, chống lão hoá và chữa bệnh

Sáng ngày 22/4, Hội thảo sức khoẻ với chủ đề “Hiểu và vận dụng học thuyết ngũ hành để tăng cường sức khoẻ, dưỡng sinh, phòng bệnh, chống lão hoá và chữa bệnh” đã diễn ra tại Trường Xanh Tuệ Đức (Hà Nội) với sự chủ trì của Thầy thuốc nhân dân, GS.TS.Trương Việt Bình, Chủ tịch Hội Nam y Việt Nam, nguyên Giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam.

Trong y học, học thuyết ngũ hành được ứng dụng để quan sát, quy nạp và nêu lên sự tương quan trong hoạt động sinh lý các tạng phủ, để chẩn đoán bệnh tật, tìm tính năng và tác dụng thuốc, tiến hành công tác bào chế thuốc men.

Vận dụng thuyết ngũ hành để tăng cường sức khoẻ, chống lão hoá và chữa bệnh
GS.TS. Trương Việt Bình, Chủ tịch Hội Nam y Việt Nam, trình bày tại Hội thảo.

Được biết đến là một trong những người có đóng góp lớn trong việc phát triển về Y dược học cổ truyền của dân tộc, với hơn 40 năm cống hiến cho nền y học nước nhà, Thầy thuốc nhân dân, GS.TS Trương Việt Bình đã hoàn tất hơn 80 công trình nghiên cứu khoa học giá trị, ứng dụng vào thực tế chữa bệnh nhằm phục vụ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Ông còn ấp ủ nhiều dự án, ý tưởng để nâng tầm những cây thuốc quý, ứng dụng vào nền y học nước nhà.

Theo GS.TS. Trương Việt Bình, 5 loại vật chất kim, mộc, thủy, hỏa, thổ được gọi là ngũ hành. Ngũ hành còn có ý nghĩa nữa là sự vận động, chuyển hoá của các chất trong thiên nhiên. Trong điều kiện bình thường, các loại hoạt động của cơ thể liên quan mật thiết với nhau gọi là ngũ hành tương sinh hoặc ức chế lẫn nhau gọi là ngũ hành tương khắc.

Ngũ hành tương sinh là chỉ mối quan hệ sinh ra nhau một cách thứ tự, thúc đẩy nhau phát triển của thuỷ, hoả, mộc, kim, thổ. Thứ tự của tương sinh là: mộc sinh hoả, hoả sinh thổ, thổ sinh kim, kim sinh thuỷ, thuỷ sinh mộc. Sự tương sinh này cứ lặp đi lặp lại không ngừng. Trong cơ thể con người con người cũng vậy, can mộc sinh tâm hoả, tâm hoả sinh tỳ thổ, tỳ thổ sinh phế kim, phế kim sinh thận thuỷ, thận thuỷ sinh can mộc.

Vận dụng thuyết ngũ hành để tăng cường sức khoẻ, chống lão hoá và chữa bệnh
Cô Phạm Thị Tâm – Hiệu trưởng Trường Xanh Tuệ Đức gửi lời cảm ơn đến GS.TS. Trương Việt Bình về những chia sẻ y học hữu ích.

Còn lại, ngũ hành tương khắc là chỉ mối quan hệ lần lượt ức chế lẫn nhau của thuỷ, thổ, mộc, hoả, kim. Thứ tự của tương khắc là: mộc khắc thổ, thổ khắc thuỷ, thủy khắc hoả, hoả khắc kim, kim khắc mộc. Quá trình tương khắc này cũng tuần hoàn không ngừng. Tương ứng với cơ thể con người: can mộc khắc tỳ thổ, tỳ thổ khắc thận thuỷ, thận thuỷ khắc tâm hoả, tâm hoả khắc phế kim, phế kim khắc can mộc.

Từ đây, GS.TS. Trương Việt Bình cũng để ra nguyên tắc chữa bệnh: Hư thì bổ mẹ, thực thì tả con… Ví dụ bệnh cao huyết áp do can dương thịnh phải chữa vào tâm (an thần) vì can mộc sinh tâm hoả (thực thì tả con).

Tương tự khi ứng dụng trong châm cứu, người ta tìm ra loại huyệt ngũ du. Tuỳ kinh âm, kinh dương mỗi loại huyệt tương ứng với mỗi hành, giữa các huyệt là quan hệ tương sinh, giữa hai kinh âm dương là quan hệ tương khắc.

Vận dụng ngũ vị (chua, đắng, ngọt, cay, mặn) để bào chế làm vị thuốc thay đổi tính năng và tác dụng cho đi vào các tạng phủ theo yêu cầu chữa bệnh: sao với giấm cho vị thuốc vào can, sao với muối cho vị thuốc vào thận, sao với đường cho vị thuốc vào tỳ, sao với gừng cho vị thuốc vào phế…

Những chia sẻ hữu ích về thuyết ngũ hành theo y học cổ truyền đã trở thành một bộ phận trọng yếu của hệ thống lý luận y dược, góp phần chẩn đoán và điều trị bệnh thành công.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *