Hội nghị có thông điệp: Các phương pháp điều trị bắt nguồn từ các sản phẩm tự nhiên chỉ có thể là phương pháp chăm sóc sức khỏe thay thế hiệu quả nếu được khoa học chứng minh.
Hội nghị lần này do WHO và Ấn Độ – quốc gia giữ chức Chủ tịch G20 vào năm 2023 đồng tổ chức.
Người đứng đầu WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, y học cổ truyền có thể tăng “khoảng cách tiếp cận” chăm sóc sức khỏe, nhưng chỉ có giá trị nếu được sử dụng “một cách thích hợp, hiệu quả và trên hết là an toàn dựa trên bằng chứng khoa học mới nhất”, trong một tuyên bố trước hội nghị.
Trong khi các loại thuốc y học cổ truyền được sử dụng rộng rãi ở một số nơi trên thế giới, chúng cũng phải đối mặt với sự chỉ trích gay gắt.
Ảnh minh họa |
Cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc định nghĩa y học cổ truyền là kiến thức, kỹ năng và thực hành được sử dụng theo thời gian để duy trì sức khỏe cũng như ngăn ngừa, chẩn đoán và điều trị các bệnh về thể chất và tinh thần.
Nhưng nhiều phương pháp điều trị truyền thống không có giá trị khoa học đã được chứng minh và các nhà bảo tồn nói rằng, ngành công nghiệp này thúc đẩy việc buôn bán tràn lan các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng như hổ, tê giác và tê tê, đe dọa sự tồn tại của các loài.
WHO cho biết: “Tự nhiên không phải lúc nào cũng có nghĩa là an toàn và hàng thế kỷ sử dụng không đảm bảo tính hiệu quả. Do đó, phương pháp và quy trình khoa học phải được áp dụng để cung cấp bằng chứng nghiêm ngặt và cần thiết”.
Trong nhiều thế kỷ, y học cổ truyền và y học bổ sung đã là một nguồn lực không thể thiếu cho sức khỏe trong các hộ gia đình và cộng đồng.
Theo WHO, khoảng 40% dược phẩm ngày nay có cơ sở là sản phẩm tự nhiên và các loại thuốc mang tính bước ngoặt có nguồn gốc từ y học cổ truyền bao gồm aspirin, artemisinin và các phương pháp điều trị ung thư ở trẻ em.
Các nghiên cứu mới, bao gồm cả nghiên cứu về bộ gen và trí tuệ nhân tạo đang được đưa vào lĩnh vực này, đồng thời có những ngành công nghiệp đang phát triển về thuốc thảo dược, sản phẩm tự nhiên, sức khỏe, thể chất và du lịch liên quan.
Hiện tại, 170 quốc gia thành viên đã báo cáo với WHO về việc sử dụng y học cổ truyền và đã yêu cầu bằng chứng, dữ liệu để cung cấp thông tin cho các chính sách, tiêu chuẩn, quy định về việc sử dụng y học cổ truyền một cách an toàn, tiết kiệm chi phí và công bằng.
Để đáp ứng nhu cầu và mối quan tâm ngày càng tăng trên toàn cầu này, WHO, với sự hỗ trợ của Chính phủ Ấn Độ, đã thành lập Trung tâm Y học cổ truyền toàn cầu vào tháng 3/2022. Trung tâm có sứ mệnh thúc đẩy trí tuệ cổ xưa và khoa học hiện đại vì sức khỏe và hạnh phúc của con người.